Ảnh hưởng văn hóa Trà sen Tây Hồ

Trà sen Tây Hồ được xem là một trong những thức uống của nền văn hóa trà Việt Nam.[22] Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà trà sen Hồ Tây trở thành một thức uống nổi tiếng tại Hà Nội, điều này được thể hiện bởi sự cầu kì và tỉ mỉ trong từng công đoạn chế biến.[24] Trà ướp hương sen được coi là loại trà có tính lịch sử bởi có nguồn gốc từ lâu đời, trà sen là khởi nguồn của nhiều loại trà ướp hương khác.[35] Đây cũng là minh chứng cho thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật ướp trà đạt đến đỉnh cao.[35] Báo Tuổi trẻ cho rằng chỉ ở đây mới làm ra được loại trà sen có dư vị thơm ngon nhất tại Việt Nam.[36] Nghệ thuật ướp trà sen cũng đã trở thành nét văn hóa mang hương vị ẩm thực Hà Nội.[22] Trà sen Tây Hồ còn có biệt danh là "Thiên Cổ Đệ Nhất Trà".[6][25][37] Hàng năm, mỗi khi tới mùa sen nở là quận Tây Hồ lại vào mùa ướp trà, thu hút khách du lịch đến thưởng thức và trải nghiệm.[25] Không chỉ người Việt mà nhiều du khách quốc tế cũng có mong muốn được uống thức uống này và đặc biệt, họ còn muốn được tận tay trải nghiệm ướp trà sen cùng các nghệ nhân ở đây.[25] Tại Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là xứ sở sen hồng, lãnh đạo tỉnh đã "đặt hàng" một người viết bài đem trà sen Tây Hồ "ghép đôi" với sen Đồng Tháp Mười, nhưng có ý kiến cho rằng sản phẩm thu được khó có thể gọi là trà sen.[38]

Báo Công an nhân dân cũng cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nài nỉ người quen mua hộ bằng được 2 kg (4,4 lb) trà sen Tây Hồ để mang vào miền Nam thiết đãi bạn bè. Một nghệ nhân ướp trà đã bán cho ông với giá rẻ nhưng vẫn lên tới 2 triệu đồng trên 1 kg (2,2 lb) vào thời điểm đó.[39] Đài Truyền hình Nhật Bản TBS quyết định làm phim tài liệu về sen Tây Hồ, trong đó có chi tiết nghi lễ ướp và pha trà sen từ lúc còn là bông hoa hé nở đến khi dâng chén trà lên cho các vị khách.[40] Trà sen Tây Hồ còn trở thành một trong những sản phẩm quảng bá ẩm thực trong chương trình "Giao lưu Văn hóa Ẩm thực Hà Nội với bạn bè Quốc tế" khai mạc ngày 16 tháng 6 năm 2017 tại Hà Nội.[41]

Do thời gian và lịch sử, thưởng thức trà sen cũng gần như bị lãng quên nhưng những năm gần đây, việc này lại phát triển một cách mạnh mẽ.[35] Tờ VnExpress cũng khẳng định việc thưởng trà cũng là "nghệ thuật" trong đó đòi hỏi người thưởng trà "phải tinh tế" mới có thể cảm nhận hết "nét thanh tao" trong chén trà.[42] Tờ Hànộimới khẳng định trà sen Tây Hồ là một đặc sản đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội. Tờ báo này cũng cho rằng không ở nơi nào trên thế giới có trà sen, đồng thời nói rằng người Hà Nội coi trà sen là một báu vật để nâng niu.[17] Theo báo Nhân Dân, trà sen Tây Hồ đặc biệt và có sự khác biệt với những loại trà khác bởi sự thanh tao, thuần khiết chứ không nồng. Tờ báo còn cho biết những người Việt kiều xa quê hương lâu năm khi uống trà sen thường cảm thấy nhớ quê hương như "một phần tinh thần, cốt cách dân tộc khó có thể quên".[7] Nhà báo Phương Dung đến từ Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam cho biết trà sen Tây Hồ khá hiếm và đắt, bà còn nhấn mạnh thức uống này hẳn "không dành cho những ai không biết thưởng thức".[43]

Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ cho biết ướp trà sen là nghề truyền thống lâu đời của người dân phường Quảng An.[44] Năm 2012, thương hiệu Trà sen Quảng An do 14 gia đình và cơ sở làm nghề ướp đã chính thức trở thành nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công nhận.[45]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trà sen Tây Hồ http://baovanhoa.vn/am-thuc/artmid/2071/articleid/... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long... http://sovhtt.hanoi.gov.vn/nghe-thuat-uop-tra-sen-... http://nguoilambao.vn/bao-chi-truyen-thong/tra-sen... https://vneconomy.vnkhi-tra-sen-khong-con-la-cua-h... https://vneconomy.vntra-sen-tay-ho-net-tinh-hoa-cu... https://vnexpress.net/nghe-thuat-thuong-tra-sen-ta... https://web.archive.org/web/20170714173425/http://... https://web.archive.org/web/20190609235601/http://... https://web.archive.org/web/20191105025234/https:/...